KHOA TRIẾT HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI – NƠI HỘI TỤ CỦA TRI THỨC VÀ NIỀM TIN
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý trong và ngoài trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Xã hội loài người đã trải qua hàng nghìn thế kỷ và đã có biết bao những giai đoạn thăng trầm. Nhưng có một sự thật lịch sử không ai có thể chỗi cãi được là cả nhân loại đã và đang ngày càng vươn tới những nền văn minh cao hơn. Đó là chân lý hiển nhiên muôn thủa. Song để đạt được những thành quả vĩ đại trong hoạt động sáng tạo, nhân loại nhiều khi cũng phải trả những giá rất đắt.
PGS.TS Lê Văn Đoán, nguyên Phó Trưởng khoa Triết học phát biểu đề dẫn ra mắt học bổng Trần Đức Thảo
Như chúng ta đã biết, trong ánh hào quang của nền văn minh hiện đại, loài người đã phải chứng kiến rất nhiều nghịch lý như: nạn ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên; đạo đức xã hội suy đồi; các căn bệnh hiểm nghèo luôn xuất hiện và đe dọa cuộc sống bình yên của con người; v.v..
Ai có thể trả lời xác đáng đối với những vấn đề nêu trên? Tôi xin trích một câu nói nổi tiếng của nhà triết học vĩ đại Hy Lạp cổ đại Aristốt: “mọi khoa học đều cần hơn triết học, nhưng không có một khoa học nào tốt hơn nó”. Tôi nghĩ rằng, câu nói của nhà triết học lỗi lạc đã hàm chứa một ý nghĩa hết sức thâm sâu: Loài người có thể sinh tồn và phát triển bằng rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, song nếu biết triết học, hiểu triết học sẽ giúp cho con người sống tốt hơn và làm việc tốt hơn.
Không phải ngẫu nhiên khi đứng trước những thảm họa tự nhiên và xã hội do chính con người gây ra, những người có lương tri trên trái đất đã phải thốt lên: Các triết gia xin hãy quay trở lại.
Triết học không phải là một khoa học hàng đầu đem lại những lợi ích trước mắt cho loài người, nhưng nó lại chỉ ra cho những người đang sống cần phải làm gì để giữ gìn lâu bền những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã tạo ra trong quá trình hoạt động sống của mình. Học tập và nghiên cứu triết học một cách nghiêm túc sẽ trang bị cho bản thân mình có cái nhìn đúng đắn về hiện thực cuộc sống và biết cách ứng xử hợp lý trước những biến đổi dữ dội của cuộc đời, của tự nhiên và xã hội.
Cả nhân loại tiến bộ đã và đang tôn vinh sự cống hiến to lớn của các nhà triết học. Một xã hội văn minh hiện đại không thể thiếu triết học. Ở Việt Nam, những thành quả vĩ đại của nền văn hóa dân tộc đều gắn liền với tên tuổi của các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nhà triết học thiên tài như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bính Khiêm, v.v..
Ngay tại Hội trường hôm nay, ngồi trước chúng ta đã có rất nhiều các nhà khoa học, triết học tài năng, có những người viết tới hàng trăm công trình triết học có giá trị đích thực, thúc đẩy nền triết học Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Những người như vậy xứng đáng được lịch sử ghi nhận và tôn vinh. Nền triết học Việt Nam hiện tại đã có những bước phát triển về chất, thực sự góp phần đưa tư duy của người Việt Nam ngang tầm thời đại. Hy vọng trong thời gian gần đây sự ra đời của Hội triết học Việt Nam do Giáo sư Lê Hữu Nghĩa làm chủ tịch sẽ khẳng định điều đó.
Văn nghệ chào mừng ra mắt học bổng
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trường đại học danh tiếng có chiều dài lịch sử gần 70 năm, là chiếc nôi đào tạo rất nhiều nhân tài, các nhà khoa học có tên tuổi trong và ngoài nước. Trên mảnh đất này nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà khoa học, nhiều nhà triết học nổi tiếng từng sống và làm việc như: giáo sư Trần Đức Thảo, giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Phạm Huy Thông, giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Đặng Thai Mai, giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, v.v..
Không còn ghi ngờ gì nữa, các nhà khoa học tài năng khi đạt tới đỉnh cao của khoa học chuyên ngành thường tự giác chuyển sang triết học. Đó là quy luật tất yếu.
Khoa Triết học tự hào được hình thành và phát triển trong môi trường tốt đẹp này và cũng là khoa Triết học duy nhất trong hệ thống các trường Đại học sư phạm trong cả nước. Uống nước nhớ nguồn, trên diễn đàn hôm nay, thay mặt cho tất cả các thể hệ giảng viên và học trò từ cử nhân đến NCS của khoa Triết học xin được trân trọng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, nguyên hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp ký quyết định thành lập khoa Triết học - một sự kiện lịch sử không thể nào quên. Đồng thời chúng tôi cũng xin được trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Văn Cư, nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục chính trị, người đã luận chứng và làm hết sức mình để khoa Triết học được ra đời. Từ đó đến nay, nhờ sự quan tâm của các thế hệ Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của từng thành viên trong Khoa đã giúp cho khoa Triết học đứng vững trước sóng gió, phát triển và trở thành một trong những trung tâm đào tạo triết học lớn của cả nước. Hiện tại Khoa đã xây dựng được chương trình đào tạo xuyên suốt từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ.
Kính thưa các vị đại biểu
Thật là xúc động được nhắc đến tên tuổi một nhà triết học lớn của Việt Nam - đó là giáo sư Trần Đức Thảo một con người không màng danh lợi, sẵn sàng hy sinh, từ bỏ cuộc sống phồn hoa, từ bỏ trường đại học danh tiếng của nước Pháp, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc đem trí tuệ tài năng của mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, làm vẻ vang cho dân tộc, cho ngành giáo dục Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường đại học đầu tiên của Việt Nam khi lịch sử đất nước sang trang, và tất cả những ai đã từng là những sinh viên khóa đầu tiên (1954 - 1957) chắc chắn không thể nào quên hình ảnh người thầy vĩ đại, nhà triết học lỗi lạc với những công trình nghiên cứu về hiện tượng luận, về con người và triết học Mác - Lênin. Thế giới đã biết đến Giáo sư như một nhà triết học đích thực đầu tiên của Việt Nam. Nền triết học Việt Nam, có thể xem giáo sư Trần Đức Thảo là một tấm gương mẫu mực về lòng say mê khoa học, về nhân cách người thầy với những bài giảng triết học có một không hai. Nền triết học Việt Nam không thể không ghi đậm nét công lao đóng góp to lớn của Giáo sư.
Tôn vinh Giáo sư, tức là chúng ta biết trân trọng mồ hôi, trí tuệ, thậm chí cả nước mắt của những người yêu lao động, yêu đất nước và con người.
Kính thưa các quý vị đại biểu, kính thưa các vị khách quý
Vừa qua cấp ủy và Ban Chủ nhiệm khoa Triết học, trong định hướng phát triển của khoa đã đề xuất việc thành lập “Học bổng Trần Đức Thảo” nhằm khuyến khích tất cả những người nỗ lực vươn lên, có lòng say mê, đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu triết học. Giá trị vật chất của phần thưởng từ học bổng này không lớn và chắc chắn những người phấn đấu được nhận phần thưởng cao quý này không nghĩ đến giá trị vật chất, song đây là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, trước mắt nó thể hiện lòng tri ân một nhà khoa học chân chính của dân tộc mà tưởng chừng lịch sử đã lãng quên. Thứ hai, “Học bổng Trần Đức Thảo” góp phần khẳng định vị trí quan trọng của Triết học trong hệ thống các khoa học cơ bản mà từ trước đến nay ở Việt Nam từ phổ thông đến đại học chỉ xem là môn học phụ, học thêm, ít có giá trị lập nghiệp.
Mục đích cao cả nhất của “Học bổng Trần Đức Thảo” là ở sự nhấn mạnh vai trò lịch sử của triết học trong giáo dục và đào tạo con người. Từ thời cổ đại đến nay ở cả phương Tây lẫn phương Đông, không có một phương trời nào, một quốc gia nào triết học lại không gắn liền với giáo dục và đào tạo. Ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới những nhà tư tưởng lớn, giáo dục lớn thường là những nhà triết học. Tách rời giáo dục và đào tạo với triết học là đi ngược lại, thậm chí có tội với lịch sử. Nếu chúng ta chỉ biết đào tạo con người mang nặng tư tưởng mưu sinh trong cuộc sống thì tương lai của dân tộc sẽ đi về đâu.
“Học bổng Trần Đức Thảo” là một điểm sáng, một niềm tin, khuyến khích con người hướng tới xã hội tốt đẹp và nhân văn, bởi vì Giáo sư là người yêu nước, trung thực, yêu lao động và giàu đức hy sinh, xứng đáng được cả nước tôn vinh.
Xin được cảm ơn tất cả các vị đại biểu, các vị khách quý đã có mặt trong buổi lễ trang trọng này. Kính chúc sức khỏe tất cả các vị đại biểu, các vị khách quý, các nhà khoa học.
Một số hình ảnh buổi ra mắt học bổng Trần Đức Thảo
TS Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học phát biểu đề án học bổng Trần Đức Thảo
GS.TS Đỗ Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu cảm nghĩ
Đông đảo các nhà khoa học, các cơ quan báo chí đến tham dự
|
Tin bài: PGS.TS Lê Văn Đoán
Ảnh: Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng CLB truyền thông
|