Bài phát biểu của thầy PGS.TS. Lê Văn Đoán tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Triết học


05-05-2021

GIÁ TRỊ CỦA TRIẾT HỌC VÀ SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN KHOA TRIẾT HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

Hà Nội, ngày 24 tháng 4 năm 2021

PGS.TS Lê Văn Đoán (nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Trưởng khoa trình bày tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Triết học)

Xã hội loài người đã trải qua hàng ngàn thế kỷ và đã có biết bao những giai đoạn thăng trầm. Song có một sự thật lịch sử không ai có thể chối cãi được là cả nhân loại đã và đang ngày càng vươn tới những nền văn minh cao hơn. Đó là chân lý hiển nhiên muôn thuở. Song con đường hướng tới tương lai của lịch sử nhân loại lúc nào cũng thấm ướt mồ hôi, máu xương và nước mắt của những con người vĩ đại, thầm lặng hy sinh, không đòi hỏi bất cứ một lợi ích nào cho bản thân. Những thành quả mà ngày nay con người đang tận hưởng đã gắn liền với những cái giá phải trả rất đắt, bởi vì chúng được sinh từ trí tuệ , mồ hôi, xương máu của biết bao những con người cao quý, trong đó có các triết gia.

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử, đánh giá một cách công bằng những đóng góp không gì sánh nổi của các nhà triết học trên thế giới. Từ thời cổ đại, cả phương Đông lẫn phương Tây đã có nhiều nhà triết học vĩ đại, đưa ra những học thuyết nổi tiếng, xây dựng các hệ tư tưởng củng cố sự ổn định chính trị - xã hội. Những học thuyết đó đã sống mãi cùng với lịch sử loài người. Chẳng hạn, ở phương Tây, có Hêraclit, Xôcrat, Platôn, Arixtốt, Cantơ, Hêghen, C. Mác, Ănghen, Lênin… Ở phương Đông có những nhà tư tưởng vĩ đại như: Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử…

Những học thuyết đó đã khái quát một cách khá toàn diện những giá trị của các thời đại lịch sử khác nhau, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về thế giới để lại nhiều giá trị cho đến tận ngày nay. Những giá trị của triết học đã chỉ ra rằng, loài người có thể sinh tồn và phát triển bằng rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, song nếu biết triết học, hiểu triết học, chắc chắn sẽ giúp con người sống tốt hơn và làm việc tốt hơn.

Không phải ngẫu nhiên khi đứng trước những thảm họa tự nhiên và xã hội do chính con người gây ra, những người có lương tri trên trái đất đã phải thốt lên: các triết gia xin hãy quay trở lại và thực tế triết học không bao giờ phụ lòng người. Trong lúc hàn vi, chỉ có triết học mới thực sự an ủi con người, một triết học khoa học không bao giờ để cho con người phải bi đát trong màn sương chưa tìm ra lối thoát.

Triết học mãi mãi đã không, đang không và sẽ không là khoa học hàng đầu đem lại những lợi ích trước mắt cho loài người, nhưng nó có cái nhìn tổng thể, chỉ ra con đường đúng đắn giúp cho những người đang sống cần phải làm gì để đưa ra cách ứng xử hợp lý nhất trước những biến dộng dữ dội của cuộc đời, của tự nhiên và xã hội.

Ngày nay, cả nhân loại tiến bộ đã và đang tôn vinh sự cống hiến to lớn của các nhà triết học trên thế giới. Những đóng góp của họ đã khẳng định một chân lý vĩnh hằng: một xã hội muốn tới một nền văn minh hiện đại không thể thiếu được triết học.

Ở Việt Nam, những thành quả vĩ đại của nền văn hóa dân tộc đều gắn với tên tuổi của các nhà tư tưởng lớn như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh… Những triết lý được người Việt Nam khái quát từ hiện thực cuộc sống đã làm cho những người yêu lao động, yêu hòa bình trên thế giới không khỏi động lòng, suy ngẫm. Chẳng hạn, như lời nhà giáo Chu Văn An: ta chưa từng nghe một quốc gia nào coi thường sự học mà lại khá lên được; Đặc biệt, Hồ Chí Minh – danh nhân văn hóa thế giới, từ trong máu lửa của cuộc sống loài người đã khái quát một chân lý ngời sáng trở thành lời tuyên thệ bất hủ đến muôn đời: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

         Ngay tại hội trường hôm nay, trong lễ kỷ niệm trang trọng 10 năm thành lập Khoa Triết học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có mặt rất nhiều nhà khoa học, triết học tài năng, có những người đã viết tới hàng trăm công trình có giá trị đích thực, góp phần thúc đẩy nền triết học Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Chẳng hạn, như các giáo sư Lê Hữu Nghĩa, giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn, và nhiều các nhà triết học có tên khác nữa… Những người như vậy xứng đáng được lịch sử ghi nhận và tôn vinh. Lịch sử hãy trân trọng và công bằng với những đóng góp của họ.

         Nền triết học Việt Nam hiện tại đã có những bước phát triển về chất, thực sự góp phần nâng tư duy của người Việt Nam lên một tầm cao mới.

         Hội Triết học Việt Nam chính thức thành lập và đi vào hoạt động thực sự đã thổi một luồng gió mới vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, đánh dấu một sự kiện lớn của đất nước. Sự kiện này không phải ai cũng nhận thấy, chỉ có những người có lương tri, có lòng yêu nước và tự hào dân tộc mới thực sự quan tâm. Lần đầu tiên trong lịch sử, nền triết học Việt Nam bắt đầu từ những công trình hiện tượng luận và những bài giảng triết học độc đáo của giáo sư Trần Đức Thảo tư duy lý luận của người Việt Nam giờ đây đang vươn lên ngang tầm thời đại.

         Sự ra đời của hội Triết học Việt Nam hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tất yếu của sự kết tinh những tinh hoa trí tuệ của người Việt Nam, qua nhiều thế hệ hòa đồng với biết bao mồ hôi, trí lực và nước mắt của các bậc tiền bối. Hội Triết học Việt Nam được thành lập là sự hy sinh thầm lặng, là lòng quyết tâm không mệt mỏi của các nhà Triết học hàng đầu trong thời gian qua.

         Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trường đại học danh tiếng có chiều dài lịch sử 70 năm, là chiếc nôi đào tạo rất nhiều nhân tài, các nhà khoa học có tên tuổi trong và ngoài nước. Trên mảnh đất này, nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà khoa học nổi tiếng đã từng sống và làm việc như: giáo sư Trần Đức Thảo, giáo sư Đặng Thai Mai, giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Phạm Huy Thông, giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn… Không nghi ngờ gì nữa, giữa Triết học và các khoa học khác đã có mối quan hệ hữu cơ, không tách rời nhau, và khẳng định một chân lí: các nhà khoa học tài năng khi đạt tới đỉnh cao của khoa học chuyên ngành thường tự giác chuyển sang Triết học. Đó là quy luật tất yếu đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

         Khoa Triết học trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất tự hào được hình thành và phát triển trong môi trường tốt đẹp này, và cũng là khoa Triết học duy nhất trong hệ thống các trường Đại học Sư phạm trong cả nước. “Uống nước nhớ nguồn”, trong lễ kỷ niệm 10 năm trọng thể này, thay mặt cho tất cả các thế hệ cán bộ và học trò từ sinh viên đến nghiên cứu sinh của khoa xin được trân trọng nói lời cảm ơn sâu sắc nhất tới GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh, nguyên hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp xét duyệt và kí quyết định thành lập khoa Triết học. Đó là một sự kiện không thể nào quên trong lịch sử nhà trường. Đồng thời chúng tôi cũng xin được trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Nguyễn Văn Cư, nguyên trưởng khoa Giáo dục Chính trị, người đã đề xuất ý tưởng, luận chứng và làm hết sức mình để khoa Triết học ra đời. Đó là những con người có tầm nhìn và sáng suốt đưa ra những quyết định táo bạo mang tính lịch sử. Việc thành lập Khoa Triết học là một dấu mốc khẳng định sự phát triển không ngừng của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó đến nay, nhờ sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo và từng thành viên trong khoa đã tạo thành động lực giúp cho khoa Triết đứng vững trước gian nan thử thách, từng bước ổn định và phát triển, trở thành một trong những trung tâm đào tạo Triết học lớn của cả nước. Hiện tại khoa đã xây dựng và hoàn thiện được chương trình đào tạo xuyên suốt từ cử nhân đến tiến sĩ.

         70 năm đã trôi qua, một quãng thời gian ngắn ngủi đối với nhân loại, nhưng lại là cả một chặng đường rất lớn đầy vinh quang và thử thách đối với lịch sử của một đời người. Sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Triết học tại Đại học Sư phạm Hà Nội đã có nhiều biến động lớn lao. Từ những bài giảng Triết học vô cùng độc đáo của giáo sư Trần Đức Thảo cho đến ngày nay, Khoa Triết học trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có cả một đội ngũ lớn mạnh với nhiều PGS, TS, ThS, đáp ứng tốt mọi yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

         Khoa Triết học là nòng cốt của Chi hội Triết học cơ sở trường Đại học Sư phạm Hà Nội được lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo hội Triết học hết sức quan tâm. Đặc biệt khoa có một đội ngũ lãnh đạo mới từ cấp ủy đến ban chủ nhiệm khoa là một đội ngũ năng động, nhiệt tình, trung thực và trong sạch. Đó là sức mạnh tổng hợp giúp khoa tạo thành một khối đoàn kết vững chắc cùng nhau vượt qua mọi thử thách, gian nan từng bước vững vàng trên con đường đi tới tương lai tốt đẹp.

     Tin, bài: PGS.TS Lê Văn Đoán, Nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Trưởng khoa Triết học

 

        

        

 

Post by: admin admin
05-05-2021

Comments

Load more

Send