GIỚI THIỆU SÁCH "VĂN HOÁ TÔN GIÁO ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI"


25-04-2021

LỜI GIỚI THIỆU

Văn hóa tôn giáo là một thành tố của văn hóa, được thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, đạo đức, khoa học, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, lối sống, phong tục, tập quán,… đáp ứng nhu cầu tinh thần của đông đảo các tầng lớp người trong trong xã hội.

Sự ảnh hưởng tích cực của văn hóa tôn giáo đến xã hội làm thay đổi nhận thức phiến diện của những quan điểm chỉ thấy biểu hiện theo hướng tiêu cực của tôn giáo. Trong chỉ thị của Bộ Chính trị số 18- CT/TW ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban chấp hành trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới có đoạn: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển bền vững đất nước”. Để phát huy giá trị của văn hóa tôn giáo, cần phải thực hiện giải pháp cụ thể như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: “ Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng qui định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG Sự thật, tr.141)

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và do đó bản sắc văn hóa cũng hết sức phong phú, đa dạng. Văn hóa tôn giáo không chỉ chịu sự tác động của những biến đổi xã hội mà còn có sự tác động trở lại xã hội ở các mức độ khác nhau. Văn hóa tôn giáo trong tổng thể văn hóa Việt Nam đã, đang và sẽ không chỉ là mục đích vươn tới của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội mà còn là nền tảng của đời sống xã hội.

Trong xã hội Việt Nam hiên nay, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, các lĩnh vực của đời sống xã hội đang có những biến đổi sâu sắc. Những vấn đề xã hội đặt ra đòi hỏi phải giải quyết như: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG Sự thật, tr.178). “Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG Sự thật, tr.78)

Tuy nhiên, với sức mạnh của mình, văn hóa tôn giáo vẫn lan tỏa sức ảnh hưởng , đóng góp vào công cuộc bảo vệ hòa bình, gìn giữ môi trường sinh thái - nhân văn, xây dựng lối sống đẹp, thực hiện an sinh xã hội, củng cố và phát triển kinh tế. Văn hóa tôn giáo không chỉ góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, mà còn tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Để góp phần khẳng định vai trò tích cực của văn hóa tôn giáo đối với sự phát triển xã hội, Hội thảo khoa học: “Văn hóa tôn giáo với sự phát triển xã hội” là Hội thảo Khoa học do Khoa Triết tổ chức. Đây là hoạt động khoa học chào mừng 10 năm thành lập Khoa Triết học học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2011- 2021. Hội thảo nhận được 35 bài viết của Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn – Nguyên viện trưởng Viện Triết học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; PGS. Nguyễn Hồng Dương – Nguyện Viện trưởng Viện Tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS. TS Chu Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lan Hiền – Viện trưởng Viện nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, TS, Hòa thượng Thích Thảnh Điện – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của nhiều nhà khoa học khác hiện đang công tác ở các Trường đại học, Viện nghiên cứu ở trong nước.

Nội dung cuốn sách là tập hợp các bài viết của các học giả đề cập tới những vấn đề lý luận về văn hóa tôn giáo và ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, văn hóa Công giáo, văn hóa Islam giáo trên thế giới và Việt Nam đối với sự phát triển xã hội trong lịch sử và hiện tại.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu chắc không tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của độc giả.

Trân trọng cảm ơn!

                                                       TM Tập thể tác giả

                              Trưởng Khoa Triết học – Trường ĐHSP Hà Nội

                                                      TS Nguyễn Duy Nhiên.

 

Post by: admin admin
25-04-2021

Comments

Load more

Send