GIỚI THIỆU SÁCH: BẢN THỂ LUẬN XÃ HỘI VỀ ĐẠO HIỂU Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - Chủ biên PGS.TS Nguyễn Thị Thọ


02-04-2020

GIỚI THIỆU SÁCH

 BẢN THỂ LUẬN XÃ HỘI VỀ ĐẠO HIỂU
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

(Chủ biên: PGS.TS Nguyễn Thị Thọ)

 

Đạo Hiếu là giá trị hàng đầu của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Người Việt Nam khi nói đến đạo Hiếu, liền nghĩ ngay đến việc “thờ cha, kính mẹ”. Trong tất cả các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xếp ở vị trí hàng đầu, được xem là quan hệ đứng hàng dọc, làm rường cột trong gia đình. Nói về đạo Hiếu không phải là nói về một điều đã cũ, cổ hủ mà nói về một giá trị vĩnh hằng. Vì, từ khi có con người và xã hội loài người, có gia đình thì mối quan hệ giữa thế hệ sau với thế hệ trước chính là hiếu. Tuy mối quan hệ đó luôn có xu hướng biến đổi theo sự biến đổi của xã hội, nhưng cái cốt lõi vẫn không thay đổi đó là Hiếu, là sự biết ơn, kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng, chăm sóc những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Người Việt Nam rất coi trọng “hiếu”. Hiếu không những được coi là một chuẩn mực đạo đức, một tiêu chuẩn để đánh giá, là thước đo nhân cách con người, mà còn là một nguyên tắc hành động, một nguyên lý ứng xử của con cái đối với ông bà, cha mẹ, nghĩa là hiếu được người Việt nâng lên thành một đạo - đạo Hiếu, đạo làm con. Đạo Hiếu còn ảnh hưởng tương tác giúp cho người Việt Nam làm nên văn hóa của dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Xuất phát từ vị trí, vai trò của đạo Hiếu trong đời sống đạo đức cá nhân và xã hội như vậy, việc đi tìm hiểu cơ sở tồn tại của đạo Hiếu, đưa ra những luận giải về sự biến đổi của đạo Hiếu cùng với sự biến. đổi của đời sống kinh tế - xã hội, để từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu làm cho đạo Hiếu ngày càng phát huy vai trò của mình cùng sự trường tồn của dân tộc là hết sức cần thiết. Công trình Bản thể luận xã hội về đạo Hiếu ở Việt Nam hiện nay là đề tài nghiên cứu khoa học được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia ( NAFOSTED ), Mã số: 11.7 - 2013.04 do PGS.TS. Nguyễn Thị Thọ làm chủ nhiệm cùng sự cộng tác của PGS.TS. Trần Đăng Sinh, PGS.TS. Lê Văn Đoán, PGS.TS. Hoàng Thúc Lân, ThS.NCS. Phạm Anh Hùng, ThS.NCS. Bùi Thị Thủy, ThS. Trần Thị Hà Giang.

Đề tài này đã được xuất bản thành sách. Cấu trúc của cuốn sách ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung cuốn sách gồm 3 chương: Chương 1: “Lý luận chung về bản thể luận xã hội của đạo đức và đạo Hiếu”. Chương 2: Bản thể luận xã hội của đạo hiếu trong tư tưởng triết học đạo đức Việt Nam. Chương 3: Tác động của kinh tế thị trường đến đạo hiếu ở Việt Nam.

Khoa Triết học trân trọng giới thiệu đến Quý Thầy, Cô, các nhà khoa học, quý bạn đọc gần xa về quyển sách.

Quý đọc giả có nhu cầu xin vui lòng liên hệ cô PGS.TS Nguyễn Thị Thọ, ĐT: 0903487174; Email: thdhsp@gmail.com

 
 
Post by: admin admin
02-04-2020