ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG* - Tác giả PGS.TS Trần Đăng Sinh


02-04-2020

 

 ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG*

(Bài viết được đăng trên tạp chí Triết học, Số 5, 2015)

TRẦN ĐĂNG SINH**

Đạo lý uống nước nhớ nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương  không chỉ mang đến những giá trị nhân văn, hướng thiện, góp phần hình thành nhân cách cho con người mà còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành, củng cố và phát huy những giá trị đạo đức trong xã hội. “Uống nước nhớ nguồn” đã và đang là đạo lí, là lẽ sống, là cội nguồn và sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện tư tưởng  hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên trong gia tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ xa xưa đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt với triết lý: “con người có tổ có tông”. Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục cho rằng: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta là rất thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người” [1, tr.20, 21].

 Tục thờ vua Hùng với những lễ thức cổ, những huyền thoại nửa hư, nửa thực đã hướng mọi người dân Việt Nam về với cội nguồn dân tộc, hun đúc hồn thiêng sông núi, củng cố ý thức cộng đồng, quốc gia. Ý thức hướng về cội nguồn, về những người có công sinh thành và tạo dựng cuộc sống của người Việt Nam cũng là ý thức hướng về cội nguồn chung của dân tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương đất nước được hình thành, bồi đắp từ đây. Nhà có Tổ nhà, họ có Tổ họ, làng có Thành hoàng, nước có Tổ nước. Thờ cúng Hùng Vương, vì thế đã trở thành loại hình tín ngưỡng quan trọng, có vị trí hàng đầu trong ý thức tâm linh của mỗi người Việt Nam. Nước mất thì nhà tan, nhà muốn yên ấm thì nước phải thịnh, với ý nghĩa đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng  thờ cúng Tổ tiên, là sự ngưỡng vọng của muôn dân với công ơn của Vua Hùng đã có công mở   nước.

Sự đoàn kết, gắn bó keo sơn được bào tạo nên từ giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ, làng xã và cao nhất đó là lòng tự hào về nòi giống Rồng Tiên, thiêng liêng hai tiếng đồng bào. Truyền thuyết về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ là cơ sở ý thức tâm linh trực tiếp của sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng Tổ nước Hùng Vương. Theo đó mỗi người dân Việt Nam đều cùng chung một bọc( đồng bào) do mẹ Âu Cơ sinh ra. Hùng Vương là con trưởng tiếp nối 18 đời sự nghiệp của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, tuy đượm màu sắc huyền thoại nhưng có cơ sở hiện thực đã được chứng minh bằng những khai quật khảo cổ học với các di chỉ điển hình như Phùng Nguyền, Đồng Đậu, Gò Mun thuộc văn hóa Đông Sơn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, thời kỳ Hùng Vương dựng nước cách đây khoảng 2700 năm, khi đó bộ tộc Lạc Việt đang ở trong gia đoạn tan dã của công xã nguyên thủy, chuyền sang giai đoạn có giai cấp, có nhà nước. Nhà nước thời Hùng Vương còn hết sức sơ khai. Vua Hùng là người đứng đầu nhà nước Văn Lang, giúp Vua có Lạc hầu, Lạc tướng. Dưới Lạc hầu, Lạc tướng là tầng lớp bình dân.

Trong quá trình phát triển của lịch sử dựng nước và giữ nước, ý thức về cộng đồng quốc gia – dân tộc ngày càng được bồi đắp phát triển thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Đã có thời gian dài truyền thuyết về thời Hùng Vương chỉ được coi là huyền ảo, quái đản không có thực. Việt điện u linh - tác phẩm văn học mang màu sắc linh dị được viết vào năm 1329 dưới thời Trần cũng chỉ xem các truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương là chuyên quái đản. Tuy vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được thực hiện đều trong dân gian. Truyền thuyết Hùng Vương từng bước được lịch sử hóa, và được điển chế quy định chặt chẽ trong lễ nghi thờ cúng. Năm 1372, trong sách Việt thế chí, Hàn lâm viện Học sĩ Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chính sử. Vua Hùng được xem như một vị thần chung của dân tộc mà con cháu phải có trách nhiệm tôn thờ vì công mở nước. Năm 1470 Lê Thánh Tông cho lập ngọc phả Hùng Vương với thế thứ lịch sử rõ ràng của 18 đời, có cả ngày mất (kỵ). Hùng Vương chính thức được coi là vị “Thánh vương ngàn đời”, vị Thánh tổ trông coi bờ cõi và bảo trợ tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hàng năm, vào dịp Lễ hội Hùng Vương, đích thân nhà vua hoặc đại diện của triều đình đến đền Hùng làm chủ lễ giỗ Quốc Tổ. Triều Lê còn cho dân xã Hy Cương làm “con trưởng tạo hệ”, cấp cho 500 mẫu ruộng, thu thuế từ vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa đến Việt Trì làm hương hỏa phụng thờ.

          Hàng năm tại đền vua Hùng ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tổ chức “quốc tế”. Dân chúng các nơi kéo về Đền Hùng lễ Tổ. Người đi lễ đền Hùng, vào cổng, qua 225 bậc đá là đến đền Hạ, nơi đây tương truyền Âu Cơ đẻ bọc trăm trứng, nở thành trăm con, 50 người con theo cha là Lạc Long Quân xuôi về miền biển, 49 người con theo mẹ lên núi, để lại một con trưởng làm vua nước Văn Lang, đó là Hùng Vương thứ nhất. Trước cửa đền Hạ có cây thiên tuế 700 tuổi, nơi đây, ngày 19 tháng 8 năm 1954, Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Sư đoàn 308 có nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Người nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ đền Hạ, qua 168 bậc đá nữa thì tới đền Trung, tương truyền các vua Hùng thường cùng các quần thần họp bàn việc nước tại nơi đây. Lại đi ngược tiếp 102 bậc đá nữa thì tới đền Thượng. Cửa đền có bức hoành phi lớn đề bốn chữ thếp vàng “Nam quốc sơn hà”. Tương truyền đây là nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời, Đất, Thần Núi, Thần Lúa cầu cho quôc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

          Lễ Hội đền Hùng được bắt đầu từ ngày mồng bảy, mồng tám và kéo dài tới ngày 11, 12. Lễ hội chính của Đền Hùng được mở vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, từ ngàn xưa mọi người dân Việt Nam nhớ về ngày giỗ Tổ:

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

          Đúng vào ngày 10 tháng 3 (theo lịch âm), từ sáng sớm cuộc tế lễ vua Hùng đã được chuẩn bị chu đáo. Từ các đại diện cấp cao của Nhà nước cho đến những người dân bình thường, ai nấy đều thành kính thắp nén nhang thơm tỏ lòng biết ơn và cầu mong vua Hùng phù hộ cho mình, cho gia đình mình, và cho vận mệnh quốc gia, dân tộc. Các nghi thức tế, lễ, dâng hương, dâng hoa, dâng rượu được tiến hành trang trọng. Nhiều đồ lễ, trong đó có bánh chưng, bánh dày được thành kính dâng lên để tỏ lòng nhớ ơn công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Sau khi làm lễ, có múa hát xoan theo kiểu hát nghi lễ, các đám rước có nội dung liên quan đến truyền thuyết Hùng Vương được thực hiện. Ngoài ra, ở phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như đánh trống đồng, đu tiên, múa rối, tung còn, hát đúm, …

          Vào tiết tháng ba, không chỉ có Đền Hùng ở thôn Cổ tích, mà theo thống kê, tính riêng 1.000 xã vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang đã có khoảng 1.200 di tích thờ cúng vua Hùng và các tướng lĩnh, khắp nơi đều tưng bừng mở hội cúng giỗ vua Hùng [2, tr.250]. Dù Lễ hội diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, bị pha tạp bởi tập quán,  tín ngưỡng của địa phương, nhưng nội dung chủ đạo là tưởng nhớ công lao các vua Hùng. Câu đối Nôm ở ngay cổng đi lên đền Hạ đã tổng kết súc tích ý nghĩa của ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương.

          Lăng Tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ.

          Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.

           Cả cộng đồng dân tộc Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Và đó cũng chính là sức mạnh giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của giặc ngoại xâm. Suốt từ thế kỷ XV, XVI đến nay, khi Hùng Vương được coi là quốc Tổ, ý thức này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc.

Từ sau cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí ban hành sắc lệnh số 22/LCT ngày 18 tháng 2 năm 1946 quy định những ngày lễ chính thức trong năm, trong đó quy định: ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 Âm lịch, nghỉ 01 ngày, những viên chức làm việc tại các công sở có quyền được hưởng lương trong các ngày lễ chính thức. Thời kỳ sau hòa bình 1954, việc giỗ Tổ Vua Hùng được Đảng, Nhà nước và tỉnh Vĩnh Phú (cũ) tổ chức. Ngoài phần lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, những ngày giỗ Tổ còn là ngày hội tưng bừng, náo nhiệt. Lễ hội đền Hùng thực sự đã trở thành ngày hội của cả dân tộc. Ngày nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục quán triệt chỉ đạo việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ có quy mô lớn xứng tầm với ý nghĩa thắt chắt khối đại đoàn kết toàn dân tộc  khi hướng về Tổ tiên chung của mình. Việc tổ chức Lẽ hội đền Hùng với nghi thức và tầm cỡ quốc gia nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của các vua Hùng đã có công dựng nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc. Điều đó được cụ thể qua các văn bản, chỉ thị của Đảng và nhà nước.

Năm 1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có tổ chức Lễ hội đền Hùng. Năm 1999, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 26/7/1999, về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong năm 2000, trong đó có tổ chức lễ hội đền Hùng. Ngày 06/1/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ - CP, qui định về quy mô và nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng hàng năm. Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 Âm lịch đã chính thức trở thành ngày quốc lễ, ngày hội lớn qui tụ cả cộng đồng dân tộc ta trên khắp mọi miền đất nước. Lễ hội đền Hùng năm 2005 đã được tổ chức theo tinh thần nghị quyết số 35/NQ - TW ngày mồng 9/2/2004 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, lễ hội đền Hùng năm 2007 được tổ chức theo nghị quyết số 84/HQ11, năm 2007, V/v sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật Lao Động về việc cho phép người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm).

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn người đã xây dựng đất nước buổi ban đầu. Ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương - trở thành ngày hội lớn của cả dân tộc Việt Nam. Hiện xung quanh Đền Hùng có hàng trăm làng có đình, đền thờ Vua Hùng, và ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã lập đền thờ Vua Hùng. Hàng năm có hàng triệu người ở trong và ngoài nước về dự ngày lễ Tổ. Nhiều địa phương trong cả nước đã xây đền thờ vọng Hùng Vương đáp ứng nhu cầu của đồng bào không có điều kiện về dự lễ Quốc Tổ ở Phú Thọ.

Đạo lý hướng về cội nguồn, hướng về những người có công sinh thành tạo dựng cuộc sống đối với con người Việt Nam đồng thời cũng là đạo lý hướng về cội nguồn chung của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước cũng được hun đúc từ đây. Kính hiếu với tổ tiên là kính hiếu với Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ, với Vua Hùng "đã có công dựng nước". Lòng yêu nước, tự hào dân tộc là giá trị đạo đức quý báu, xuyên suốt và có ý nghĩa định hướng cho lẽ sống của con người Việt Nam. Nhân ngày giỗ Tổ Vua Hùng năm 1969, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Từ lòng biết ơn, đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và Tổ tiên gia đình dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc: các Vua Hùng” [3, tr.55]

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa và đã trở thành một bản sắc văn hóa của cộng đồng người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với một lòng thành kính tri ân. Vì lẽ đó, thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan tỏa mãnh liệt, trở thành chất keo bền chặt gắn nghĩa "đồng bào".

 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc văn hoá tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đạo lý uống nước nhớ nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là yếu tố nội lực của văn hoá dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam.

Thờ cúng Hùng Vương không phải là tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có giáo hội truyền bá, nhưng từ hàng nghìn đời nay, người Việt Nam vẫn hành hương về đền Hùng để tri ân công đức các Vua Hùng - những người đã có công dựng nước, đặt nền móng cho dân tộc Việt Nam mãi trường tồn. Từ thực tế đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, trở thành một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Trên con đường phát triển đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa, cuộc sống khá bề bộn với bao niềm vui và nỗi lo, bao cái được, cái mất đan xen ngổn ngang. Ngày hội non sông, ngày giỗ Tổ thiêng liêng nhắc nhở chúng ta giữ vững lời thề bảo vệ giang sơn đất nước. Với người Việt Nam ngày giỗ Tổ Hùng Vương luôn được coi trọng, bởi đó là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc.

Mùng Mười tháng Ba hàng năm đã trở thành ngày hội tụ con cháu khắp mọi miền đất nước hướng về miền  đất Tổ. Ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trừu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Cùng với đó, triết lý về cội nguồn trên phạm vi quốc gia cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà, nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh. Chính vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ đồng hóa,  xâm lược của giặc ngoại xâm.

2. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị vĩnh hằng khẳng định sự trường tồn của dân tộc, tạo ra sức mạnh văn hóa trong hội nhập và phát triển

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tồn tại và phát triển cùng với lịch sử của dân tộc, thấm dần vào các thế hệ người Việt Nam. Trải qua thời gian, triết lý về lòng biết ơn và đền ơn của Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” không thay đổi. Nó được hình thành và phát triển trên tinh thần tự giác và tự ý thức của mỗi người Việt Nam. Thông qua các hoạt động trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàng năm, giá trị của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”càng được bồi đắp và phát triển.

Trong xã hội hôm nay, Đạo lý uống nước nhớ nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được phát huy và phát triển trên tinh thần tự nguyện góp phần định hướng giá trị nhân văn và truyền thống nguồn cội cho các thế hệ người Việt Nam. Đời sống tâm linh của người Việt Nam cũng từ đó mà gắn bó, gần gũi thân thiết hơn với những giá trị đạo đức của dân tộc. Tuy nhiên, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không chỉ chịu tác động một chiều từ tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương  mà đồng thời “uống nước nhớ nguồn” cũng có những ảnh hưởng tới việc tồn tại và phát của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là bài học sâu sắc nhất về lòng biết ơn, thái độ tôn trọng đối với công lao to lớn của Tổ tiên. Đạo lý“ Uống nước nhớ nguồn” được hình thành, tồn tại và phát triển không chỉ là bài học đạo đức mà nó còn trở thành giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngoài chức năng giáo dục nó còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức truyền thống khác như yêu nước, tự hào dân tộc, đoàn kết cộng đồng của các thế hệ người Việt Nam hôm nay.

Ngày 06/12/2012 tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó khẳng định sự trường tồn, bất diệt của Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hòa hợp dân tộc có từ hàng nghìn năm nay của người Việt Nam, nâng cao ý ý tôn trọng về sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương góp phần định hướng cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công với dân, với nước trong xã hội hôm nay. Lòng biết ơn hướng về nguồn cội luôn được nhân dân ta coi là đạo lý, là yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách một con người.

Đạo lý uống nước nhớ nguồn trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Tâm - Đức là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vua Hùng không chỉ dạy dân biết làm ăn mà còn dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với quốc gia, dân tộc.

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” có vai trò trung gian, điều chỉnh sự tồn tại, hoạt động trong các sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. “Uống nước nhớ nguồn” là sự kết tinh văn hóa, là triết lý sống của dân tộc, là chân lý muôn đời, là bài học sâu sắc có giá trị vĩnh hằng. Sự hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có cơ sở lý luận từ truyền thống đạo đức và giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có bài học về lòng biết ơn và đền ơn.  Đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhắc nhở con người hôm nay hướng về nguồn cội của dân tộc và lý giải cho nguồn gốc đó bằng việc khuyên răn con người sống nhân văn, nhân đạo và biết tôn trọng những giá trị từ quá khứ, biết ơn và không bao giờ được quên nguồn gốc của Tổ tiên mình.

Bài học về lòng biết ơn là chân lý sống ân nghĩa, thủy chung của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trở thành điểm chung, là cầu nối trung gian giúp cho tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển. Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày giỗ tổ 10/03 âm lịch đã trở thành Quốc giỗ của dân tộc, là niềm tự hào của đất nước với bạn bè quốc tế về truyền thống và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Đảng và nhà nước ta đã công nhận đó là ngày lễ trọng của đất nước. Dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử và những giá trị văn hóa đặc sắc đã làm nên một dân tộc với nghìn năm văn hiến. Dù xã hội ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại nhưng những giá trị đạo đức truyền thống, đặc biệt là những đạo lý tốt đẹp của dân tộc luôn là những bài học tiên phong trong việc hình thành nhân cách con người. Tất cả đều hướng đến giá trị nhân văn. Biết bao nhiêu những bài học lớn lao, sâu sắc được gửi gắm trong ca dao, tục ngữ với những lời mộc mạc mà chan chứa ân tình. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cũng nằm trong mạch nguồn đó. Hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng lại chứa đựng triết lý sâu xa. Không đao to búa lớn, không khuôn mẫu, áp đặt nhưng nó cứ âm thầm, rủ rỉ ngọt ngào thấm sâu vào mỗi người từ trong tâm thức. Lòng biết ơn cũng từ những bài học đơn sơ đó mà hình thành. Nó được biểu hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày. Đạo lý “Uống nước nhớ nguông” ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa trong tâm thức người Việt thông qua hình thức tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Và cũng thông qua sinh hoạt lễ hội Đền Hùng, bài học về nguồn cội càng được khắc sâu và phát huy hơn nữa.

Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những cội nguồn của sức mạnh dân tộc, là chất keo gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

 

 

Tài liệu tham khảo

*Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia( NAFOSTED) trong đề tài mã số 11.4-2012.14                                                                                                  

 **Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trường đại học Sư phạm Hà Nội

[1]Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 20 -21.

2( Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ, Mùa xuân và phong tục Việt Nam, nxb Văn Hóa , Hà nội, 1076, tr. 250.)

3Phạm Khiêm (2003), Hồ sơ khu dic tích đền Hùng, bản lưu tại Bảo tàng Hùng Vương – Khu di tích lịch sử đền Hùng, Tr. 55

 

 

 

Post by: admin admin
02-04-2020