THÔNG TIN HỘI THẢO
Ngày 27/10/2020, Hội thảo Khoa học: Triết lý đạo đức của một số nhà tư tưởng thế kỷ XV-XVI: Lịch sử vấn đề và giá trị hiện thời được tổ chức tại trường ĐHSPHN. Hội thảo này là sự triển khai nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài Triết lý đạo đức của một số nhà tư tưởng thế kỷ XV-XVI: Lịch sử vấn đề và giá trị hiện thời của nó; Mã số: 603.03-2019.300 do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ, PGS.TS Nguyễn Thị Thọ làm chủ nhiệm.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của KHXH với số lượng báo cáo tham luận gồm gần 50 bài, được phân định thành 3 nội dung chủ yếu:
Thứ nhất: lý luận chung về triết lý đạo đức thế kỷ XV-XVI.
Thứ hai: Triết lý đạo đức của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thứ ba: Giá trị của triết lý đạo đức thế kỷ XV-XVI đối với Việt Nam hiện nay.
Trong chủ đề thứ nhất: Các báo cáo khoa học tập trung làm rõ những vấn đề chung mang tính lý luận về triết lý đạo đức trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XV-XVI. Trước hết là vấn đề hình thành phát triển của triết lý đạo đức truyền thống thời kì này qua việc làm rõ nguyên lý kế thừa, phát triển của nó. Trên cơ sở đó làm rõ thêm tính quy luật của triết lý đạo đức. Một số tham luận khác đã bước đầu phác thảo diện mạo triết lý đạo đức thời kì này cũng như tính cấp thiết của sự kế thừa các giá trị đạo đức đó đối với Việt Nam hiện nay.
Trong chủ đề thứ hai: các nhà khoa học tập trung làm rõ nội dung triết lý đạo đức trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Triết lý đạo đức của các ông, một mặt được hình thành từ truyền thống đạo đức của dân tộc, mặt khác, từ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tái thiết đất nước và song hành với nó là xây dựng vương triều. Triết lý đạo đức trước hết là những lý lẽ đúng đắn về đạo làm người được thể hiện qua cách ứng xử của con người đối với người khác, với toàn xã hội và đối với yếu tố quan trọng của tồn tại xã hội là giới tự nhiên xung quanh. Tồn tại xã hội qui định ý thức xã hội, trong đó có ý thức đạo đức. Ở thời kì này có nhiều biến động phức tạp, từ chỗ con người cùng nhau “nếm mật nằm gai” để làm nên sự kiện lịch sử vĩ đại, nhưng ngay sau đó nhân tình thế thái đã thay đổi khôn lường, tới mức “còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi” điều đó làm cho những người tài trí lỗi lạc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và thậm chí cả Lê Thánh Tông không khỏi dao động và chính họ lại muốn đi tìm đường hướng khác cho tâm thế đạo đức của mình. Từ đó, những người “từng nhận mình là người đội mũ nhà nho” phải tìm đến việc lý giải thế sự bằng lý luận đạo đức của Phật, Đạo. Chính họ chứ không ai khác, đã mở đường cho mối quan hệ tam giáo phát triển thêm một tầng nấc mới trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Tóm lại, các tham luận đã tập trung phân tích triết lý đạo đức và chỉ ra cái riêng có trong các giá trị đạo đức, cũng như cái chung, cái phổ biến trong triết lý đạo đức của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sự phù hợp với tồn tại xã hội đương thời.
Trong chủ đề thứ 3: các nhà khoa học tập trung làm rõ giá trị của triết lý đạo đức đối với Việt Nam hiện nay. Theo đó những khía cạnh nổi bật góp phần hình thành nên các giá trị đạo đức truyền thống mà thời đại ngày nay cần kế thừa và phát triển. Đó là:
- Thái độ của con người đối với xã hội và tự nhiên trên tinh thần hòa hợp, tôn trọng và cùng tồn tại, trên cơ sở đó xây dựng môi trường sống nhân văn, bền vững.
- Chỉ ra tính cấp thiết của việc kế thừa các giá trị trong triết lý đạo đức của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với việc xây dựng và phát triển đạo đức xã hội và cá nhân con người Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là tư tưởng thân dân, biết ơn dân và nhận thức vai trò của dân.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trường ĐHSPHN và Quỹ PTKH&CN quốc gia Nafosted đã cho phép và tạo điều kiện để Hội thảo được thực hiện thành công và hy vọng những kết quả nghiên cứu từ các tham luận sẽ góp phần làm sáng rõ hơn, đóng góp nhiều hơn cho việc nghiên cứu những cái mới trong quá trình nghiên cứu đề tài.
Tin, bài: PGS.TS Nguyễn Thị Thọ