NGUỒN LỰC TÔN GIÁO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI, tác giả PGS.TS Trần Đăng Sinh và PGS.TS Nguyễn Thanh Tú


13-11-2020

NGUỒN LỰC TÔN GIÁO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

(Nghiên cứu trường hợp Phật giáo ở Việt Nam)*

PGS. TS Trần Đăng Sinh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú – Tạp chí Văn nghệ quân đội

Nguồn lực là tổng thể các yếu tố là cơ sở cho sự phát triển của một thực thể nào đó. Nếu thực thể đó là xã hội thì đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường…ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển xã hội. Nguồn lực có thể thay đổi theo không gian và thời gian, điều kiện, hoàn cảnh. Con người có thể thay đổi nguồn lực theo hướng có lợi cho mình.

Tôn giáo trong đó có Phật giáo là một thực thế xã hội không chỉ là một hiện tượng xã hội, một hình thái ý thức xã hội mà còn là một nguồn lực xã hội trong sự tác động tới xã hội làm cho xã hội phát triển. Điều đó thế hiện vai trò tích cực của Phật giáo trong lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam.

Nguồn lực Phật giáo được thể hiện ở hai phương diện: nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần . Nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần của Phật giáo cùng tồn tại trong thực thể xã hội là Phật giáo

 Nguồn lực vật chất của Phật giáo không chỉ là các không gian tôn giáo ( cơ sở thờ tự, tu tập, nguồn tài chính, hệ thống tượng Phật, đồ thờ cúng… mà còn bao

……………………………………………………………………..

* Kỷ yếu Hội thảo: “Nguồn lực tôn giáo kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb Tôn giáo, 2020, Tr. 406 - 415

(1) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIIII, Hà Nội, 2016, tr.28 - 29).

hàm của tổ chức Giáo hội, hệ thống chức sắc và Phật tử. Nguồn lực tinh thần của Phật giáo là trí tuệ Phật thể hiện qua tri thứ Phật học, là văn hóa đạo đức, là văn hóa nghệ thuật ( văn học, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội) giúp con người nhận thức thế giới, điều chỉnh hành vi hướng tới chân, thiện mỹ.

Cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần của Phật giáo đều có tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội Việt Nam trong lịch sử.

Từ khi Phật giáo du nhập vào Giao Châu ( khoảng thể kỷ II – III) với sự hiện diện của những sư tăng người Ấn Độ và Trung Á như: Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực… Với hệ thống chùa tháp được xây dựng thời kỳ này và đội ngũ Phật tử khá đông đảo, Luy Lâu trở thành trung tâm Phật giáo có thể so sánh với trung tâm Phật giáo lớn là Bành Thành và Lạc dương ở Trung Quốc cùng thời. Tri thức Phật học của các nhà sư tiêu biểu trong lịch sử Phật giáo là nhân tố chính tạo nên nguồn lực trí tuệ, tinh thần.

Khương Tăng Hội (200 - 280), là người gốc Trung Á, sinh ở Giao Chỉ, bố mẹ mất khi 15 tuổi. Năm 18 tuổi ông xuất gia tu hành. Là người giới thiệu và viết lời tựa cho tác Phẩm: Lục độ kinh ( 6 phép tu: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ ( bát nhã). Là người khởi đầu của thiền học Việt Nam. Ông thừa nhận có linh hồn, nghiệp. Theo ông, thân chết hồn lìa thân xác, theo nghiệp mà đi. Linh hồn có thể luân chuyển biến hóa không ngừng theo nghiệp, cuối cùng về bản gốc không. Nguồn gốc con ngưởi vốn tự vô sinh, từ  hư vô mà sinh ra. Tứ đại là đất, nước, lửa, gió hòa hợp sinh ra thần thức. Thần thức trở về không nếu không còn tứ đại.

Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, hai dòng thiền đầu tiên được hình thành và phát triển trong xã hội Việt Nam là Tỳ Lưu Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông.

Tì Ni Đa Lưu Chi ( ? - 594) – người Thiên Chúc, dòng dõi Bà La Môn, sáng lập dòng thiền năm 580 tại chùa Pháp Vân.Tư tưởng Thiền Tì ni Đa lưu Chi cho rằng, tâm ấn là tâm hoàn toàn vắng lặng đã được ấn chứng tự tính của nó, là chân tâm, đối lập với vọng tâm. Tâm ấn không sinh, không diệt, là cái vốn có ở mỗi người, không thể dùng ngôn ngữ mà miêu tả, chỉ khi con người giác ngộ mới có thể hiểu được.

Vô Ngôn thông ( ? – 826) Là người họ Trịnh ở quảng Châu, sáng lập dòng thiền Vô Ngôn Thông, năm 820 tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay.Vô Ngôn Thông cho rằng , muốn có trí tuệ thì tâm địa phải rỗng không. Ông quan Niệm:

“ Nhất thiết chư pháp” ( Tất cả các pháp)

Giai tòng Tâm sinh (Đều từ tâm sinh)

Tâm vô sở sinh ( Tâm không chỗ sinh)

Pháp vô sở trụ ( Pháp không chỗ trụ)

Để đạt được Tâm Phật ( diệu tâm , chính pháp) thì lấy dĩ tâm, truyền tâm. Theo ông: “ tâm tức Phật”, Phật ở trong tâm, ngoài tâm không có Phật. Bản thể là pháp thân, Phật tính, nó không sinh không diệt, không thể dùng ngôn ngữ mà mô tả được. Vạn pháp đều do tâm sinh ra, mọi cái đều phụ thuộc vào tâm. Với phương châm tu thiền: vô ngôn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền; trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật, ông chú trọng sự “ kiến tính”, bằng sự trực giác để nhận thức, giác ngộ chân tâm.

Như vậy, tri thức Phật học của các sư tăng thời kỳ này đã góp phần nâng cao nhận thức, nâng tầm tưu duy lên trình độ trừu tượng hóa, bổ sung cho bảng giá trị tinh thần truyền thống, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt. Sự hiện diện của Phật giáo thời Bắc thuộc ở Việt Nam với giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của nó là cơ sở để xã hội Việ Nam bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố và phát triển quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

Phật giáo được coi trọng, đề cao từ triều đại Ngô - Đinh, Tiền Lê – giai đoạn đầu của thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập, tự chủ. Giai đoạn này, giai cấp địa chủ phong kiến cần có hệ tư tưởng để duy trì sự thống trị xã hội, thực hiện mục tiêu chính trị. Tư tưởng cuả tam giáo được giai cấp đại chủ phong kiến Việt Nam khai thác và vận dụng để xây dựng nhà nước phong kiến theo hướng tập quyền. Nếu như Nho giáo được khai thác để xây dựng mô hình nhà nước phong kiến, lấy đức trị kết hợp với pháp trị là đường lối trị nước thì Phật giáo được khai thác với tinh thần nhập thế không để chỉ để cứu người mà còn để cứu nước, xây dựng đất nước theo hướng thái bình, thịnh trị, thu phục nhân tâm, đoàn kết dân tộc. Các thiền sư được vua Đinh trọng dụng không chỉ bởi sự trợ giúp tâm linh mà còn bởi tri thức Phật học uyên thâm bao hàm cả những lĩnh vực chính trị- xã hội, văn hóa, lịch sử sâu sắc. Ngô Chân Lưu được vua ban cho chức tăng thống, Khuông Việt Thái sư – người đứng đầu giáo hội Phật giáo, thường được vua Đinh Tiên Hoàng tham vấn về các vấn đề chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh của triều đình. Vua Đinh cho khắc in kinh Phật trên trụ đá ở kinh đô Hoa Lư, cho tu bổ và xây dựng nhiều chùa chiền… Khắc phục tình trạng cát cứ, ổn định xã hội có sự đóng góp trí tuệ của các thiền sư thời này. Điều đó thể hiện vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị - xã hội thời Đinh là trất lớn.

Nhà Đinh bị thay thế bởi nhà Tiền Lê. Việc tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế có vai trò quan trọng của tầng lớp sư tăng, đứng đầu là Ngô Chân Lưu. Cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi của Lê Hoàn có sự tư vấn sáng suốt của sư Vạn Hạnh với lời dự đoán: “ nội trong bảy ngày giặc sẽ tan”. Năm 986, sư Pháp Thuận với tài thi phú, khi ông giả làm người lái đò xướng họa với sứ giả nhà Tống là Lý Giác.

 Lý Giác xướng:

Nga nga lưỡng nga nga (Song song ngỗng một đôi )

          Ngưỡng diện hướng thiên nha (Ngửa mặt ngó ven trời )

Pháp Thuận đối: 

Bạch mao phô lục thủy (Lông trắng phơi giòng biếc )

         Hồng trạo bãi thanh ba (Sóng xanh chân hồng bơi)

Tài xướng họa của Pháp Thuận là cho Lý Giác kinh ngạc, không dám coi thường vua Lê Đại Hành. Khi vua Lê về vận nước, làm thế nào để cho vận nước được lâu dài? Thiền sư trả lời:

 

Quốc tộ như đằng lạc (Vận nước như mây quyện)

Nam thiên lý thái bình (Trời Nam mở thái bình )

Vô vi cư điện các (Vô vi trên điện gác)

          Xứ xứ tức đao binh (Chốn chốn dứt đao binh)

(Bách tính, muôn dân đoàn kết lại xung quanh vua như cuộn mây, vua quên mình, thương yêu dân, chăm lo cho đời sống của dân thì nền thái bình mở ra, không còn chiến tranh, vận nước sẽ bền lâu).

Thời kỳ Ngô Đinh – Tiền Lê tuy ngắn ngủi song là tiền đề rất quan trọng trong đó có sự đóng góp to lớn của Phật giáo để tiến sang thời kỳ Lý – Trần rực sáng của nền văn hóa Đại Việt.  Dân tộc Việt Nam thẩm thấu trí tuệ siêu việt của Phật giáo, lấy tư tưởng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn, tinh thần hòa quang đồng trần, riết lý khoa dung của Phật giáo làm phương châm hành động, tạo thành lực lượng vật chất to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Tư tưởng bình đẳng, và trí tuệ của các thiền sư Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận, Vạn Hạnh đã tạo sức mạnh của niềm tin, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc nhỏ bé song không chịu khuất phục trước sức mạnh của ngoại bang. Nguồn lực của Phật giáo là hệ thống triết học thâm sâu, huyền diệu song lại mang tính nhập thế, thiết thực, với đội ngũ thiền sư luôn gắn đạo với đời đã góp phần to lớn trong sự phát triển xã hội của kỷ nguyên xây dựng, phát triển quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập, tự chủ.

Thời Lý - Trần là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam. Cùng với Nho giáo, Phật giáo thời kỳ này là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển nền văn hóa Đại Việt, xây dựng quốc gia phong kiến Việt Nam độc lập, tự chủ theo hướng tập quyền. Thời Lý – Trần là thời đại mà có sự ra đời hai thiền phái Thảo Đường vàTrúc Lâm Yên Tử, đánh dấu sự phát triển mới của Phật giáo. Nếu như  vai trò của các thiền sư Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân trong triều đại Tiền Lê – Lý được đề cao thì Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông thời Trần đã đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam.

Lý Thánh Tông chủ trương xây dựng nền thiền học có tính tổng hợp: đề cao Phật ( thiền, tịnh), kết hợp Nho, Lão, sử dụng yếu tố bản địa: tín ngưỡng dân gian, thờ lin ga, Yoni của Chiêm Thành. Chùa Diên Hựu ( sinh hóa lâu dài) được xây dựng trên một cột, có tòa sen. Thảo đường là sự chắt lọc, kết tinh của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Đại Việt, Chiêm Thành. Trong các thiền sư truyền được 18 đời của Thảo Đường có 3 vị vua là Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông chứng tỏ ảnh hưởng chính trị của dòng thiền này là rất lớn.

Thiền Thảo Đường có yếu tố Mật giáo như Tỳ Lưu Đa Lưu Chi, biểu hiện rõ trong tư tưởng của á thiền sư Không Lộ, Giác Hải, Bát Nhã, là sự phản ánh phản ánh nhu cầu độc lập về tư tưởng của nhà Lý,và phù hợp với tình hình xã hội thời Lý.

Trần Thái Tông (Trần Cảnh 1218 -1277)  nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, được Chiêu Hoàng nhường ngôi ( 1226 – 1258). Tư tưởng của Trần Thái Tông là sự tổng hợp cả thiền, tịnh, Nho, Lão trên cơ sở nòng cốt là thiền. Ông được coi là tập đại thành của triết học Phật giáo Việt Nam. Ông lấy cái tâm (không) làm điểm xuất phát để lý giải những vấn đề như: giải thoát, sinh tử, kiến tính, niết bàn...

Khi cho rằng bản thể của vũ trụ là không. Không chính là hư và ngược lại hư là không. Không bao trùm tất cả, còn hư là sự thể hiện của không trong tâm mỗi người. Bản thể không, hư không thể dùng ngôn ngữ, văn tự, âm thanh, màu sắc để mô tả; nó vượt lên mọi cái, nó vô thường, vô tính, vô hình, bất sinh bất diệt...Phật tính được Trần Thái Tông gọi bằng các tên khác như: Bát nhã thiện căn, Bồ đề giác tính, bản lai diện mục, bản tâm, tâm Phật, pháp thân.

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, vạn pháp đều do tâm ( không, hư) sinh ra. Do đó, cần phải hướng vào tâm, nhận thức cái tâm trong con người để nhận thức chứ không hướng ra thế giới bên ngoài để nhận thức.

Tâm con người hiện tại đã từng trải qua bao kiếp luân hồi sinh tử, bị tạp nhiễm, vẩn đục, mờ tối. Vấn đề làm sao để trở về cái cái tâm bản lai, thanh tịnh, nguyên sơ.

 Mục đích nhận thức là kiến tính ( thấy được tính Phật, Phật tính ở trong tâm ), “ diệt vọng niệm”. Thực chất của kiến tính là sự trở về với bản tâm nguyên sơ, tĩnh lặng, thuần khiết của mỗi chúng sinh. Con người không nhận thức được rằng, vạn pháp vô tự tính, mọi cái đều là do nhân duyên, giả hợp của ngũ uẩn. Bản chất của vạn pháp là không, do đó không có sinh hóa. Con người không có tự tính riêng biệt, do nhân duyên kết hợp mà nên hình tướng. Do con người không nhận thức được điều đó nên sa vào ngã chấp, vị kỷ, tạo nghiệp ác, để thỏa mãn ái dục, ham muốn.

Từ quan điểm“ tâm bình thường thị đạo” : “ Phàm đã là bậc quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”  phát triển thành yếu chỉ: “ tồn nhi bất tri”: sống hài hòa, vui cái vui của đạo, hành cái hành của bổn phận thế sự, không phân biệt giữa đời và đạo, giã biệt mọi đối đãi, thị phi. Ông chủ trương “ hành thiền tại thế”, đem đạo vào đời, dụng cái thâm diệu của đạo vào cái hoạt của đời.

Trần Nhân Tông, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1258, làm vua năm Kỷ Mão (1279), là con trưởng vu Trần Thánh Tông. Ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gi 8 năm, thọ 51 tuổi. Băng ở am Ngọa Vân, tang ở Đức Lăng.

Khi bàn về bản thể , ông cho rằng: Tâm là nguồn gốc, là bản nguyên của vũ trụ, vạn vật. Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm đâu khác. Bản thể, theo Trần NhânTông là lòng sạch, Phật, tính sáng, báu vật. Tâm là Phật, tâm là pháp thì mọi Pháp quy nhất ( mọi pháp là một), gọi là nhất thể Như Lai. Như Lai ( cái vốn có như thế, bản thể). Chỉ một bản thể ( nhất thể Như Lai mà thôi):

 Nhất thiết vạn pháp (Hết thảy muôn pháp)

Giai tòng tâm sinh ( Đều do tâm sinh)

Tâm vô sở sinh ( Tâm không chỗ sinh)

Pháp vô sở trụ ( Pháp không chỗ trú)

Nhược đạt tâm địa ( Nếu đạt được tâm)

         Ứng dụng vô ngại ( Không gì cản trở)

Trần Nhân Tông cho rằng, để đạt được an nhàn, tự tại thì phải dứt trừ được nghiệp, bởi còn nghiệp là còn luân hối sinh tử. Hãy dẹp bỏ loạn tâm mà trở về nhất tâm, bất loạn, giống như tập trung ánh sáng đèn vào một điểm. Tâm tĩnh lặng thì tất cả là một, tư nhiên như nhiên. Còn tâm sai biệt thì xuất hiện thế giới sự vật hiện tượng sai biệt:

“ Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm

Đạt một lòng thì thông tổ giáo”

Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay, Phật giáo như mạch ngầm thầm vào lòng dân tộc theo hai xu hướng Phật giáo bác học và Phật giáo dân gian. Với vai trò “ hộ quốc an dân”, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh to lớn của Phật giáo vẫn được thể hiện ở trí tuệ Phật trong kinh Phật, ở đội ngũ tăng, ni đông đảo, hệ thống các thiền viện, học viện, trường học đào tạo tăng tài, hệ thống chùa tháp ở mọi miền của đất nước.

Hiện nay, hùa phật được tôn tạo, xây sủa mới ở nhiều nới trong cả nước. Ở đảo Trường Sa cũng đã hiện diện ngôi chùa Phật. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh tôn giáo của nhân dân trên đảo mà còn là sự khẳng định văn hóa Việt Nam và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Ở thế kỷ XX một thay đổi căn bản của tư tưởng Phật giáo là sự xuất hiện của “Kinh tế học Phật giáo” (Buddhist Economic). Ba trụ cột cơ bản của “Kinh tế học Phật giáo” là Đạo đức kinh tế (ví dụ như đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nghiệp); Giá trị và lợi ích tâm linh (duy trì sự ổn định xã hội đồng thời phát triển kinh tế như du lịch tâm linh); Hạnh phúc cộng đồng (mọi người, mọi tầng lớp đều được hưởng phúc lợi xã xội). Mục tiêu của “Kinh tế học Phật giáo” là đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hoá và an sinh xã hội để tiến tới xoá bỏ nghèo đói đem lại hạnh phúc cho con người. Sẽ không đơn thuần là chỉ xem xét giá trị đạo đức của hoạt động kinh tế mà Kinh tế học Phật giáo, theo đúng với tư tưởng vị tha cứu độ sẽ nghiên cứu hoạt động kinh tế hoà hợp và thích hợp với nhiều con đường, nhiều khuynh hướng (the way thing are). Hiểu một cách giản dị thì muốn dựng ngôi nhà kinh tế thì phải xây cái móng vững là văn hoá. Cái móng này gồm các thuật ngữ nhỏ như “kiến tạo phúc lợi thật sự” (realization of true well - being); “không làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân mình và người khác” (not harming oneself or others); “giàu có và phát triển tâm linh” (wealth and spiritual development); “tiêu dùng và tiêu dùng quá mức” (consumption and over – consumption); “tiết chế” (moderation); “cạnh tranh và hợp tác” (competition and cooperation)…

Hệ quả tất yếu của Kinh tế học Phật giáo là Kinh tế tâm linh (Economic Spirituality) gắn tăng trưởng kinh tế cân bằng với đời sống tinh thần làm sao con người có thể giàu có cả về kinh tế lẫn tâm linh. Do vậy phải rất chú trọng môi trường. Như là hệ quả tiếp, Kinh tế học Phật giáo hạn chế nhu cầu tiêu dùng, ngăn chặn sự tham muốn thái quá của kinh tế thị trường. Muốn vậy phải đưa con người vào con đường Trung đạo (The middle way of  living) để hài hoà sản xuất và tiêu dùng, giảm thiểu ham muốn vật chất có hại đến môi sinh và với chính con người. Ví như ăn quá nhiều thịt sẽ sinh ra bệnh tật. Nuôi quá nhiều gia súc gia cầm sẽ mất cân đối đất đai trồng cấy. Giết hại sinh linh (trâu bò, lợn gà…) sẽ có quả báo tức thì như ô nhiễm không khí bởi mùi hôi thối và mùi tử khí, con người sẽ bị căng thẳng thần kinh dẫn đến hoảng loạn, tâm thần…

Ở nước ta, sự gặp gỡ, tương đồng của Kinh tế học Phật giáo với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế bền vững của Đảng, Nhà nước ta như:

- “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực”.

- “Giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”.

- “Phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam”.

 - “…tổ chức không gian phù hợp; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái”(2).

Hiện nay, du lịch âm linh là một lĩnh vực kinh tế đem lại nguồn lợi lớn cho các địa phương có di tích lịch sử văn hóa gắn liền với không gian thiêng của Phật giáo. Những nơi được coi là “ thánh địa của Phật giáo như: Chùa Hương, Yên Tử hàng năm thu hút hàng chục vạn khách du lịch ở trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Lễ Hội Chùa làng ở đồng bằng Bắc bộ, lễ hội của đồng bào Khơmer ở Nam bộ (Tết Chol Chnam Thmay), lễ hội Ok om bok cúng trăng, lễ Phật Đản,…) là món ăn tinh thần không thể thiếu, là động lực khiến on người có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trở ngại trong cuộc sống, hướng tới một ngày mai tốt đẹp. Văn hóa kiến trúc chùa Phật của hai dòng Bắc tông và Nam tông, âm nhạc Phật giáo góp phần tạo nên giá giá văn hóa truyền thống, đến nay vẫn có sức hấp dẫn, cuốn hút. Đạo đức Phật giáo – đạo đức hướng thiện, hơn bao giờ hết trong điều kiện đạo đức, lối sống bị xuống cấp của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được xem như lượng kháng sinh cần thiết cho nền đạo đức xã hội hôm nay.

Kế luận

Với phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống “ Hộ trì hoằng dương Phật pháp, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa, góp phần đem lại hòa bình, an lạc cho thế giới”(3). Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại được xem như là một nguồn lực quan trọng trong tiến trình phát triển của tộc Việt Nam.

-------------------------------------------------------------------------

(3) Giáo hội Phật giáoViệt Nam, Từ đại hội đến đại hội (1981 – 2012), Nxb Tôn giáo, H. 2012, tr.35

Post by: admin admin
13-11-2020

Comments

Load more

Send